HanhTrinhXe

Thông tin mang tính chất tham khảo và có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả đo nồng độ cồn, nên tốt nhất khi bạn đã uống rượu bia dù ít hay nhiều thì không nên lái xe để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông nhé!

Vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã và đang là một trong những nguyên nhân cao dẫn đến tai nạn và gây mất an toàn khi tham gia giao thông, chính vì vậy hiện nay đã có rất nhiều quy định mới về việc xử phạt nồng độ cồn vượt mức khi điều khiển phương tiện giao thông. Vậy làm sao để đo nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) hay nồng độ cồn trong khí thở (Breath Alcohol Content - BrAC) và mức xử phạt nồng độ cồn vượt mức như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua thông tin dưới đây nhé!

Cách tính nồng độ cồn trong máu, trong khí thở

Hiểu rõ về cách tính nồng độ cồn là điều cần thiết để giữ được cơ thể tỉnh táo và an toàn cho bạn, người thân và cộng đồng khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông và dưới đây là công thức tính nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở:

  • Công thức tính nồng độ cồn trong máu: BAC = 1056 x A / (W x R) (mg/100ml máu)
  • Công thức tính nồng độ cồn trong khí thở: BrAC = BAC / 210 (mg/lít khí thở)

Theo công thức trên thì:

  1. BAC là nồng độ cồn trong máu
  2. BrAC là nồng độ cồn trong khí thở
  3. A là số đvc uống vào
  4. W là cân nặng
  5. R là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính  (R = 0,7 với nam và R = 0,6 với nữ).

Cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia như sau (chỉ mang tính chất tham khảo):

  • Đơn vị cồn: A = (V x P x 0,79) / 10 (đvc)

Với:

  1. V là dung tích (ml)
  2. P là nồng độ (%)
  3. 0,79 là hệ số quy đổi

Ví dụ: 1 lon bia 330ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gam cồn là: 330 x 0,05 x 0,79 = 13,035 g; tương đương A = 1,3035 đơn vị cồn (đvc)

Để giúp bạn đọc hiểu hơn cách tính trên mình có ví dụ cụ thể sau đây: 

Ví dụ: Một nam giới 60kg uống 2 lon bia với thể tích 330ml 5% cồn tương đương 2,607 đơn vị cồn. Tính nồng độ cồn trong máu và nồng độ cồn trong khí thở của người này?

  • Nồng độ cồn trong máu là: BAC = 1056 x 2,607 / (60 x 0,7) = 65,6 mg/100ml máu.
  • Nồng độ cồn trong khí thở là: BrAC = 65,6 / 210= 0,312 mg/lít khí thở 

Vậy với nồng độ cồn trong khí thở và trong máu này là người nam này sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt khi tham gia giao thông.

Tốc độ đào thải nồng độ cồn trong máu

Khi ở vào một số trường hợp đã sử dụng đồ có cồn như rượu, bia,... mà vẫn phải thực hiện lái xe thì bạn cũng cần dự tính được bao lâu thì cơ thể có thể được phép lái xe thì có thể tham khảo cách tính tốc độ đào thải độ cồn trong máu như sau:

  • Tốc độ đào thải nồng độ cồn trong máu: T = BAC / 15 (giờ)

Theo như ví dụ trên với nồng độ cồn trong máu là BAC = 65,6 thì tốc độ đào thải nồng độ cồn trong máu sẽ được tính như sau:  T = BAC / 15 = 65,37 / 15 = 4,4 giờ (khoảng 4 giờ 24 phút). Dựa vào kết quả trên có nghĩa là với 1 bạn nam khoảng 60kg đã uống 2 lon bia 330ml có nồng độ cồn 5% thì cần khoảng 4 giờ 24 phút để nghỉ ngơi mới được phép lái xe để không bị phạt.

Tốc độ đào thải nồng độ cồn của một người sẽ phụ thuộc bởi nhiều yếu tố, như tuổi tác, cân nặng, cảm xúc, các bệnh lý...Đặc biệt đối với những ai có tình trạng gan, thận yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm thì việc đào thải cồn sẽ lâu hơn. Vì vậy, công thức tính trên chỉ dùng tham khảo  để một người có thể tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Mức phạt nồng độ cồn với người điều khiển xe ô tô, xe máy

Mức phạt tiền khi vi phạm nồng độ cồn

Mức vi phạm Xe ô tô Xe máy
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở 6.000.000₫ - 8.000.000₫ 2.000.000₫ - 3.000.000₫
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở 16.000.000₫ - 18.000.000₫ 4.000.000₫ - 5.000.000₫
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở 30.000.000₫ - 40.000.000₫ 6.000.000₫ - 8.000.000₫

Thời gian tước GPLX khi vi phạm nồng độ cồn

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở 10 đến 12 tháng
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở 16 đến 18 tháng
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở 22 đến 24 tháng